Phiên dịch viên: Nghề “Hot” – Thu nhập “khủng” và những “tai nạn” khó đỡ!
Phiên dịch viên là một nghề đang “hot” trên thị trường việc làm Việt Nam và thế giới, đem lại thu nhập cao, làm việc trong những môi năng động, đa dạng và mang lại cho người hành nghề cơ hội đi lại, du lịch, thăm thú miễn phí…
Tuy nhiên, ít ai biết được người trong nghề phải chịu sức ép lớn từ công việc, phải có khả năng tập trung cao độ, phản ứng nhanh và linh hoạt, diễn đạt ý tứ rõ ràng ở cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích, dễ hiểu, phải có khả năng phân tích, tinh ý, trí nhớ tốt. Cùng trò chuyện với anh Lý Tuấn Minh (LTM) – một phiên dịch viên trẻ tuổi nhưng đã có trong tay nhiều kinh nghiệm quý báu.
PV: Chào anh Minh, lâu nay nhiều người vẫn thường nhắc tới cụm từ “phiên dịch” như là một công việc đơn thuần dịch từ thứ tiếng này sang thứ tiếng khác. Là nguời trong nghề, anh thấy cách hiểu như vậy đã ổn chưa?
Lý Tuấn Minh: Phiên dịch, trước kia được gọi là nghề “thông ngôn,” tức là người phiên dịch đóng vai trò cầu nối giúp những người nói các ngôn ngữ khác nhau có thể giao tiếp, trao đổi một cách “thông suốt”. Ngày nay, hiểu một cách đơn giản nhất thì phiên dịch vẫn đúng là dịch từ thứ tiếng này sang thứ tiếng khác.
Tuy nhiên, nói phiên dịch đơn thuần chỉ là “chuyển ngữ” có lẽ chưa chính xác, vì chỉ chuyển ngữ không mà không truyền tải được ý của câu nói thì chưa hoàn toàn có thể coi là đã “phiên dịch”. Ngay trong tiếng Việt, khi chào hỏi, chúng ta cũng có rất nhiều cách: Xin chào, chào các bạn, chàu bác, chào cậu… Sắc thái của mỗi cách chào đều khác nhau: khô cứng- thân thiện… Cái giỏi của người phiên dịch là tìm được từ ngữ phù hợp nhất, truyền đạt chính xác nhất sắc thái của người nói đến người nghe, trong thời gian chỉ từ 1 đến 2 giây và giúp cuộc thoại đạt hiệu quả thông tin.
Nhân dịp này, anh có thể cho biết có những loại hình dịch nào trong phiên dịch?
Phiên dịch bao gồm các loại hình như: dịch nối tiếp- tức là khi người nói nói xong thì phiên dịch viên dịch lại cho người nghe; dịch cabin- thường là phiên dịch viên dịch song song với người nói; dịch thầm- dịch đủ để người nghe nghe được thông tin trong khi người nói vẫn đang nói. Mỗi loại hình phiên dịch có những đặc thù và yêu cầu cụ thể riêng và thường mọi người vẫn công nhận rằng dịch cabin là khó nhất.
Theo anh, giỏi ngoại ngữ thì có thể trở thành phiên dịch viên?
Không hoàn toàn đúng. Giỏi ngoại ngữ là yêu cầu đầu tiên và là lợi thế lớn khi một phiên dịch viên giỏi ngoại ngữ nhưng đây không phải là điều kiện đủ để có thể trở thành một phiên dịch viên. Bạn giỏi ngoại ngữ mà không giỏi tiếng mẹ đẻ, thì khi dịch sang tiếng mẹ đẻ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Bạn giỏi hai, ba thứ tiếng, nhưng không có kĩ năng dịch nhanh thì khi phiên dịch, bạn sẽ vẫn gặp những vấn đề như diễn đạt kém, quên nội dung, không bắt kịp ý diễn giả… hay chỉ đơn thuần là bí từ – Trường hợp này bạn chỉ hợp với kiểu dịch thuật văn bản.
Trên thực tế, ngoài kĩ năng sử dụng ngôn ngữ tốt, một phiên dịch chuyên nghiệp cần hội tụ các phẩm chất và kĩ năng quan trọng khác.
Trí nhớ tốt và tư duy lôgic. Điều này đặc biệt quan trọng khi dịch nối tiếp, vì thông thường người phiên dịch được yêu cầu nghe một đoạn hoặc một bài phát biểu sau đó chuyển toàn bộ nội dung này sang ngôn ngữ đích. Phiên dịch cần nhanh chóng nắm bắt mạch ý, ghi chép hết sức vắn tắt các ý chính, từ khóa cần, tên riêng, con số và sau đó vận dụng trí nhớ của mình để chuyển ngữ một cách mạch lạc, chính xác, đầy đủ nhất có thể dưới áp lực về thời gian khan/ thính giả. Bạn có thể luyện tập bằng cách nghe và dịch phim ở nhà.
Sức khỏe tốt. Đây là điều hết sức cần thiết. Bạn thử tưởng tượng phải ngồi trong cabin và làm việc liên tục hàng tiếng đồng hồ dưới áp lực cao, thời gian nghỉ ngắn; hoặc theo đoàn để dịch, đi ngắn hoặc dài ngày, đi bộ, ôtô, máy bay…đến các khu vực, vùng miền khác nhau… Không có sức khỏe thì không thể trụ lại với công việc dịch thuật này.
Kiên trì, chăm chỉ và ham học hỏi là yêu cầu không thể thiếu. Hiếm có phiên dịch nào làm tốt ngay từ lần dịch đầu tiên, mà tất cả đều phải trải qua một quá trình rèn luyện và tích lũy kiến thức, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và các bậc tiền bối từ kiến thức ngoại ngữ, tiếng mẹ đẻ, các yếu tố văn hóa, địa lý, xã hội, thể chế xã hội, chính trị, con người, tâm lý, thói quen, điều cần tránh… Phiên dịch viên cần luôn trau dồi bản thân, liên tục cập nhật thông tin mới và học cách làm mới minh trong công việc.
Khả năng tổ chức tốt công việc. Điều này rất quan trọng, nhất là khi bạn là freelancer- người hành nghề tự do. Bạn cần xếp cho mình một lịch làm việc hợp lý, không nên đi dịch quá dày, không chồng chéo, dành thời gian chuẩn bị thích hợp, liên hệ với bên yêu cầu để biết thêm thông tin- tài liệu cần thiết, yêu cầu riêng của họ hoặc để nắm chính xác thời gian- biết phần việc của mình bắt đầu và kết thúc khi nào, đối tác cùng dịch (đặc biệt là khi dịch cabin), chủ động tiếp xúc trước với người nói nếu có điều kiện để làm quen với phong cách ngôn ngữ của họ…
Sự nhanh nhẹn, linh hoạt, nhạy cảm và tự tin. Đây là những yếu tố không thể thiếu trong giao tiếp nói chung và trong nghề phiên dịch nói riêng. Phiên dịch có thể coi là người ‘diễn giả thứ hai’ và thành hay bại của cuộc thoại lệ thuộc khá nhiều vào khả năng chuyển tải thông điệp của người dịch là trung gian ngôn ngữ. Nếu không tự tin thì khó có thể đứng nói trước đám đông, chưa nói đến việc phải ‘chuyển ngữ’ và truyền đạt lại nội dung bài phát biểu trong một khoảng thời gian ngắn. Ngay cả khi dịch cabin, dù không phải trực tiếp đối mặt với các đại biểu tham dự hội nghị, người phiên dịch cũng cần tự tin để chuyển tải thông tin. Cần nhanh nhẹn trong việc nắm bắt thông điệp của diễn giả, linh họat trong sử dụng ngôn ngữ và xử lý tình huống…
Chu đáo và cẩn trọng. Như hàng trăm nghề khác, phiên dịch viên luôn phải chuẩn bị trước cho bài dịch, buổi dịch. Không có nội dung đơn giản hay phức tạp, chỉ có người phiên dịch có được chuẩn bị trước hay không mà thôi. Việc chuẩn bị quyết định tới 70% kết quả dịch và chuẩn bị tốt thì sẽ dễ xử lý khi gặp chủ đề và các thuật ngữ chuyên ngành không quen thuộc, chuẩn bị tốt giúp người dịch tự tin, phản xạ nhanh và xử lý linh hoạt các tình huống mà minh chưa gặp.
Phiên dịch viên có phải là nghề bẩm sinh, vì tôi hay nghe nói ngoại ngữ là phải có khiếu thì mới giỏi?
Nhiều ý kiến cực đoan cho rằng dịch thuật chỉ dành cho một số người nhất định, rằng làm phiên dịch phải là những người có khả năng bẩm sinh…Tôi đồng ý rằng một khi không có khả năng ngôn ngữ hay là khi bạn kém trong giao tiếp nói chung, thì khó thành công trong nghề phiên dịch, nhưng tôi cho rằng, học tập và tự trau dồi kiến thức đóng vai trò quan trọng trong việc học để trở thành phiên dịch viên tốt.
Những năm đầu trong nghề, tôi đã dành rất nhiều thời gian cho tự học, học hỏi kinh nghiệm, tự rút kinh nghiệm, xây dựng hình ảnh cá nhân, điều chỉnh phong cách dịch và phong cách giao tiếp nói chung, điều chỉnh cả cách phát âm tiếng nước ngoài lẫn cách thể hiện tiếng Việt, tự đẩy minh ra ngoài để được cọ sát thêm ở các lĩnh vực mới…
Nhiều bạn trẻ ngày nay đam mê nghề phiên dịch , theo anh vì lý do gì?
Theo tôi, đó là những phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực trong công việc. Trước hết là thu nhập có thể nhìn thấy là cao và xứng đáng với công sức của minh, thứ hai là các cơ hội mà nghề này đem lại: đi nhiều nơi, gặp nhiều người trong đó có cả những nhân vật đặc biệt, tiếp xúc với nhiều lĩnh vực cùng các cơ hội học hỏi từ mọi người, mọi nền văn hóa… mỗi lần đi dịch là một trải nghiệm bổ ích và thú vị.
Anh có nói đến thu nhập cao… Anh có thể chia sẻ: how high is the income of an interpretor?
Thu nhập cao mức nào thì còn tùy vào khả năng của mỗi người. Ngày nay, người chủ sẽ không trả thù lao cao cho bạn nếu bạn không thực sự giỏi và không thực sự đem lại lợi ích cho họ và tất nhiên, thù lao cao đi liền với áp lực lớn. Mức giá dịch lệ thuộc vào nhiều yếu tố: “thương hiệu” của phiên dịch viên, nội dung cần dịch, yêu cầu của công việc, được chuẩn bị trước hay instant, nội dung về xã hội, kinh doanh nói chung hay chuyên ngành sâu và hiếm- khó, dịch cabin hay dịch nối tiếp…
Hiện nay, mức thù lao chung trong thị trường lao động ngành dịch là khoảng USD100- 200/ giờ dịch cabin, 20-40 USD/ giờ dịch nối tiếp; hoặc giá dịch được tính theo ngày, kèm các thỏa thuận khác như ăn ở và đi lại nếu liên quan đến việc phải di chuyển xa. Tôi biết là có người đã được nhận mức thù lao 300 USD/giờ dịch khi họ dịch cho các sự kiện có tính chất nghiêm trang như khai mạc, bế mạc…những sự kiện có nhiều quan chức, khách mời mà các thông tin cần chính xác đến mức không thể chính xác hơn1
Tai nạn nghề nghiệp… Anh đã bao giờ gặp và nghe thấy?
Không thể tránh khỏi! Và đủ loại, nhất là khi bạn không được chuẩn bị. Một chị bạn thân của tôi “bị đuổi thẳng cổ” (như chị kể lại) ra khỏi vị trí sau chỉ 5 phút- khi chị dịch cho một viện về kinh tế tại Hà Nội. Chị đã không dịch nổi các cụm từ viết tẳt, và không gọi nổi tên viết tắt của một vài cuốn sách rất quen thuộc trong lĩnh vực kinh tế.
Một anh bạn của tôi thì không thể hiểu nổi tiếng Anh của một anh Ấn Độ, và một anh nữa thì tai hại hơn, hội thảo quan trọng và anh quên tập tài liệu đã chuẩn bị ở nhà! Khỏi phải nói là trong những trường hợp như thế, người dịch cảm thấy thế nào. Hay trong một event mà cả nước đều biết: sự cố phiên dịch liên quan đến Lại Văn Sâm- chuyên gia nói… rõ ràng lỗi đầu tiên là ở phiên dịch viên chính thức của sự kiện chứ không phải của anh Sâm, chị này đã bỏ vị trí- hoặc ít nhất là chậm so với sự kiện…
Tôi biết mình biết người, nhận việc đủ sức và chuẩn bị chu đáo, nên tới giờ tôi chưa gặp tai nạn nghề nghiệp nào, nhưng không thể nói trước (cười).
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện, thay mặt chương trình, xin chúc anh sức khỏe để có thể tiếp tục gắn bó lâu dài hơn nữa với niềm đam mê của mình!